BÍ KÍP GIỮ AN TOÀN CHO BẢN THÂN VÀ MỌI NGƯỜI – NHẬT KÝ SURVIVAL KID THÍCH NGHI ( BUỔI 7)

Khu vườn Hạnh Phúc, ngày 7 – 8 tháng 12 năm 2019

Một buổi học ngoài trời giống mọi ngày, nhưng lại diễn ra ở một nơi thật khác, tại một ngọn đồi cách xa cánh đồng lúa nhưng thật gần với bầu trời…

Buổi sáng bận rộn…

Khởi động thôi nào… “Đèn đỏ thì dừng lại, đèn xanh đi thật nhanh”, luật chơi rất đơn giản nên ai cũng có thể cùng chơi. Nhanh chân đứng thành hàng, lắng nghe hiệu lệnh của “cột đèn giao thông” và di chuyển thôi nào, cẩn thận bị “cảnh sát” bắt nhé. Cảnh sát của chúng tớ rất “xịn” nên đừng hòng phạm luật nhé. Nếu cứ vượt đèn đỏ thì sẽ xảy ra tai nạn mất. Đèn giao thông, hay cả những biển báo giúp báo hiệu cách di chuyển trên đường, và giữ an toàn cho mọi người, chúng tớ đều đồng ý như vậy sau một hồi thảo luận.

Thế trên đường đi cắm trại có biển báo hiệu để mọi người đi không nhỉ? – Cô giáo hỏi

Câu hỏi cứ làm tớ suy nghĩ mãi, có cần biển báo hiệu không nhỉ? Trên đường đi cắm trại thì có thể gặp nguy hiểm gì?

Có thể gặp vắt, tớ đã từng gặp vắt rồi…
Còn có thể gặp các cây gai nữa, lần trước về quê tớ cũng từng bị gai đâm vào chân rồi, bị chảy máu đấy!
Dần dần, thêm nhiều ý kiến được đưa ra, hóa ra cũng có nhiều loại nguy hiểm thật đấy. Ấy thế rồi, một tiếng nói nho nhỏ vang lên:

Vậy thì cùng làm những tờ giấy để nếu thấy nguy hiểm thì vẽ vào đấy báo cho mọi người đi…
Ừ, cũng có thể hét thật to lên cho mọi người nghe tiếng nữa – một giọng nói nữa vang lên.
Nói là làm, chúng tớ quyết định vẽ thật nhiều biển báo hiệu nguy hiểm để người đi trước thông báo cho người đi sau, cùng nhau giữ an toàn.

Dấu chấm than màu đen, bên ngoài có hình tam giác là biển báo nguy hiểm nói chung

Dấu ích – xì (X) màu đỏ, bên ngoài có hình tròn là biển báo hiệu cấm đi, cấm chạm

Cả đội thống nhất, và ai cũng đều biết về những biển báo này, tất cả dường như đã sẵn sàng để lên đường…

À, suýt thì quên, đi cắm trại cần chuẩn bị một vài đồ dùng nữa cơ, có ai còn nhớ tới Bí kíp sinh tồn số 3 không nào?

Ba giờ – nhớ mang mũ và lều; ba ngày – nhớ mang nước; ba tuần – hộp cơm và đồ ăn…

Cô giáo cho cả lớp xem hình ảnh của những người leo núi chuyên nghiệp, có cả các bạn nhỏ như chúng tớ cũng đi leo núi đấy. Họ có một chiếc ba lô thật to, và trên tay ngoài chiếc gậy để chống thì không mang theo gì cả. Đúng rồi, tay còn phải để giữ an toàn kẻo ngã, cả lớp đều đồng ý. Vậy thì bỏ đồ ăn vào túi và mang theo thôi, nhưng vì chuyến đi của chúng tớ chỉ kéo dài trong ngày thôi nên không cần thiết mang theo quá nhiều đồ, như vậy sẽ rất nặng. Thế là cô tặng cho mỗi bạn một chiếc ba lô mi-ni, nhưng trước hết phải học cách buộc nút thắt cho dây của ba lô, để ai cũng có thể tự buộc ba lô của mình. Loay hoay mất một lúc, cần sự giúp đỡ của cả cô giáo và các anh chị lớn, cuối cùng thì cả lớp đều buộc xong ba lô.

Sẵn sàng lên đường thôi…

Đường tới nơi cắm trại…

Chúng tớ băng qua suối, rồi đi qua những con đường hẹp men theo suối, có những bụi tre to đùng. Tiếp theo lại đi qua suối rồi leo lên một ngọn đồi nhỏ, rồi tiếp tục leo dốc. Đường đi không quá xa nhưng có rất nhiều cây cối và bụi rậm. Coi chừng nhé, bụi rậm có thể có nguy hiểm đấy, vì các bạn rắn có thể sống ở đó. Chúng tớ được dạy cách kiểm tra, đó là rung nhẹ bụi rậm để đánh động (nhớ là đừng vội dùng tay nhé) cho các bạn rắn bỏ đi. Phù… chơi ngoài thiên nhiên vui thật đấy, nhưng cũng cần chú ý để giữ an toàn cho mình và các bạn khác nữa nhé!

Tới nơi thì trời đã gần trưa, chúng tớ cùng nhau dựng lều, trải bạt và ăn trưa thật vui. Bầu trời hôm ấy xanh và trong, nắng vàng sưởi ấm chúng tớ. Cả lớp thi nhau chạy quanh khu cắm trại, vừa sưởi ấm, vừa khám phá ti tỉ những điều thú vị khác nữa.

…Buổi chiều êm dịu

Sau khi nghỉ ngơi, chúng tớ đi khám phá xung quanh một chút. Cạnh nơi cắm trại có một con dốc dài, nhìn được cả sân bóng và cánh đồng phía xa xa. Bạn nào may mắn còn nhìn thấy từng đàn chim đang đi tránh rét, máy bay, hay cả những đàn cò trắng bay là là cánh đồng nữa cơ. Chẳng có tiếng còi xe ing ỏi, chỉ có tiếng chim hót.

Cũng chẳng có điều hòa, ti vi, chỉ có ánh nắng mùa đông ấm áp và cây cỏ.

Ấy vậy mà chúng tớ nghĩ ra biết bao trò chơi, tiếng cưới làm náo động cả ngọn đồi.

Để ghi nhớ lại buổi cắm trại này, chúng tớ đã làm một “chiếc gậy thần”. Nhặt nhạnh bất cứ thứ gì mà bạn gặp trên đường, có thể là một chiếc lá hay một bông hoa, buộc lần lượt vào một cây gậy, và cây gậy sẽ “kể” câu chuyện của tớ ngày hôm nay.

Câu chuyện về một buổi “học” trên ngọn đồi, mắt tớ chạm cả trời xanh còn chân thì chạm cỏ dưới đất…