Bí kíp bình tĩnh cho người bạn “sợ hãi” – Nhật ký Survival Kid Thích Nghi 2019

Những tia nắng vàng ươm tinh nghịch chạy nhảy khắp nơi và làn gió mát thổi nhè nhẹ báo hiệu một ngày đẹp trời với nhiều điều thú vị. Trời bắt đầu cuối thu nên buổi sớm còn se lạnh, thế nên cả lớp đã cùng nhau làm ấm cơ thể bằng một trò chơi khởi động có tên gọi “1,2,3 Úm ba la”.

“1,2,3 Úm ba la”

Cùng đọc câu thần chú

Món ăn sẽ hiện ra

Nào, tớ sẽ diễn tả

Bạn đoán xem món gì?

“Món gì mà bạn ấy gật đầu liên tục khen ngon thế nhỉ?”

“Món gì mà em ấy lại xuýt xoa, nhăn mặt lại khi ăn vậy?”

Dù có lúc đoán sai nhưng ai cũng thấy rất vui, bởi cuối cùng, tất cả chúng tớ đều được thưởng thức một bữa tiệc đủ mọi màu sắc khác nhau, giúp cho cơ thể thật khỏe mạnh nữa. giống như “bí kíp dinh dưỡng Cầu Vồng” mà chúng tớ đã ghi nhớ từ buổi học hôm trước.

“Các cậu ơi, sao ở đây lại xuất hiện một chiếc hộp có tên là “ Chiếc hộp cảm xúc” nhỉ?” Tò mò quá, mở ra xem nào…

Ồ, bên trong hộp có thật nhiều dụng cụ: Bảng tên nhân vật – cô Lyly, bạn Jan..; hình chiếc mũi, đôi mắt, trái tim… À, thì ra chúng tớ sẽ nhập vai diễn một vở kịch có tên gọi “ Bí mật của Mũi nhỏ”. Thật thích quá đi! Này này, nhưng nhớ đừng quên tập trung để lắng nghe người dẫn truyện, ghi nhớ lời thoại và phối hợp với các nhân vật khác để diễn thật ăn ý nữa nhé. Dù có lo lắng, hồi hộp hay hào hứng và thích thú thì chúng tớ cũng đều sẵn sàng và quyết tâm diễn một vở thật ra trò, cùng đón xem nào!

Vở kịch nói về chiếc mũi nhỏ của bạn Jan. Trong một lần đi dã ngoại, bạn Jan đã bị chảy máu cam khiến tất cả các bộ phận trên cơ thể đều hoảng loạn. Mũi nhỏ thì không ngừng chảy máu, mắt mở to và những giọt nước mắt bắt đầu rơi, miệng hét lên, tim đập “thình thịch, thình thịch” liên hồi, mặt và đầu thì nóng bừng. Duy có bác não thì còn tỉnh táo, bác cố gắng trấn các bộ phận khác bằng cách nói “Bình tĩnh, thả lỏng các cháu ơi”. Nhưng tiếng nói của bác không thể đến được các bộ phận khác. Cô giáo đến và giúp Jan bình tĩnh lại bằng cách “Hít vào thật sâu, thở ra từ từ”. Bạn không khí đi vào xoa dịu và đưa lời bác não đến các bộ phận. Nhờ vậy, các bộ phận khác dần dần thả lỏng và bình tĩnh lại. Bạn Jan nhận ra rằng, khi sử dụng phương pháp của cô giáo thì nỗi sợ đã không còn nữa. Và dù lần này việc chảy máu cam khiến Jan sợ hãi nhưng nhờ đó, Jan đã biết cách sơ cứu chảy máu cam, có thể tự giúp cho mình và các bạn khác trong trường hợp tương tự. Thì ra, ngay cả trong những việc khiến mình sợ hãi cũng luôn có những cơ hội tốt đẹp nữa.

Mang theo bí kíp Bình tĩnh, chúng tớ lên đường giúp đỡ các bạn  kỳ nhông đang bị mắc kẹt trong cuộc hành trình tìm kiếm những màu sắc mới tại Xứ Sở Cầu Vồng. Có bạn dừng ở đầu con suối, có bạn dừng lại ở hàng rào, có bạn thì đứng lại ở trước một đoạn dốc cao… Tại mỗi nơi các bạn Kỳ Nhông dừng lại, đều có một nỗi sợ khiến các bạn ấy không thể bước tiếp được. Có lẽ, các bạn ấy không biết rằng chỉ cần tin tưởng vào bản thân thì sẽ luôn có cách vượt qua. Để giúp các bạn ấy, đầu tiên, chúng tớ hướng dẫn các bạn bình tĩnh lại bằng bí kíp Bình tĩnh “ hít sâu, thở từ từ”. Sau đó, vừa đi tớ chỉ cho các bạn ấy thấy những điều tốt đẹp có thể đã bị bỏ lỡ nếu các bạn ấy không vượt qua được nơi đó: nào là thưởng thức làn gió mát trên đồi, những loài hoa mới lại, ngắm nhìn những cây nấm đủ màu sắc, và cả những bí kíp hữu ích khi thực hiện một chuyến thám hiểm trong rừng nữa:

1. Bí kíp giữ an toàn khi đi suối

2. Bí kíp sơ cứu khi trầy xước

3. Bí kíp phòng chống,bảo vệ trước bạn vắt

4. Bí kíp chống trơn trượt

5. Bí kíp uống nước đúng cách

Tại nơi giải cứu được bạn kỳ nhông cuối cùng, chúng tớ bất ngờ gặp một thác nước nhỏ. Nếu sợ hãi và dừng bước trên cuộc hành trình, chúng tớ có lẽ đã bỏ lỡ điều tốt đẹp này. Cùng nhau đùa nghịch thật vui với làn nước, thật là hạnh phúc thôi.

Chiều đến, cả lớp tham gia một cuộc phiêu lưu mới: giải cứu người bạn cảm xúc sợ hãi màu tím. Các bạn cảm xúc chung sống bên trong cơ thể của cậu chủ. Tuy nhiên, mỗi khi sợ hãi xuất hiện thì các bạn cảm xúc khác đều biến mất. Sợ hãi rất buồn nên đã lên đường tìm mụ phù thủy với mong muốn có thể biến thành niềm vui để được mọi người yêu quý. Cậu không biết rằng, mụ phù thủy đang có âm mưu biến cậu thành loại thuốc khiến cả thế giới sợ hãi mụ.

Ban đầu không ai để ý đến việc Sợ hãi biến mất cho đến khi một ngày khi gia đình cậu chủ đi trượt tuyết. Cậu chủ rất phấn khích trượt mãi, càng đi càng xa đến những vùng nguy hiểm. Nhưng không còn Sợ hãi xuất hiện để cảnh báo cậu chủ nữa. Lúc đó, các bạn cảm xúc khác mới bắt đầu nhận ra: hóa ra sợ hãi cũng giống như các cảm xúc khác, có vai trò riêng, nhờ có sợ hãi thì cậu chủ mới biết được điều gì là nguy hiểm để phòng tránh, sợ hãi chính là một vũ khí sinh tồn. Họ hối hận và quyết tâm lên đường tìm mụ phù thủy giải cứu cậu về.

Đóng vai những người bạn cảm xúc, chúng tớ lên đường lần theo dấu hiệu bạn sợ hãi để lại để giải cứu. Càng đến gần nơi ẩn nấp của phù thủy, chúng tớ càng lo lắng. Mỗi lần như thế, chúng tớ nhanh chóng áp dụng bí kíp giữ bình tĩnh “ hít sâu, thở từ từ”. Thêm vào đó, tất cả đều hiểu rằng, giải cứu được Sợ hãi thì mới giúp cậu chủ an toàn trở về bên gia đình. Thật may vì mụ phù thủy không xuất hiện vào ban ngày, chúng tớ dũng cảm tìm và thu thập hết đồ vật màu tím mụ đã giấu đi và mang về. Như vậy, Sợ hãi đã được giải cứu thành công. Cậu trở về cùng những người bạn cảm xúc khác để cảnh báo cậu chủ về nguy hiểm có thể gặp phải. Từ đó, tất cả các cảm xúc đều tôn trọng và chung sống hòa bình bên nhau.

Oaaa…thật nhiều chuyến phiêu lưu thú vị trong một ngày. Liệu có điều gì sẽ chờ đón chúng tớ trong những buổi học sau nhỉ? Thật là mong chờ quá. Khu vườn Hạnh Phúc ơi, hẹn gặp lại nhé!

1. Bí kíp giữ an toàn khi đi suối

2. Bí kíp sơ cứu khi trầy xước

3. Bí kíp phòng chống,bảo vệ trước bạn vắt

4. Bí kíp chống trơn trượt

5. Bí kíp uống nước đúng cách