8 Bài học: Từ virus Corona đến Hành động về Khí hậu (Otto Scharmer) Nhiều tuần qua hẳn là chúng ta đã đọc vô số bài phân tích về virus Corona và thông điệp của nó. Cục diện thay đổi khắp nơi trên thế giới, theo từng ngày. Dự đoán tích cực, ý nghĩa tâm linh cũng có mà dự đoán có vẻ “tiêu cực và bi quan” cũng có (nhất là hai bài viết của Yuval Noah Harari được dịch ra tiếng Việt và được phát tán rất nhanh chóng, cùng rất đông đảo người đọc lẫn phê bình). Liệu tương lai có ảm đạm đến vậy không? Với sự tăng cường giám sát công dân sẽ-trở-thành-tiêu-chuẩn và sự chia rẽ, đổ tội, đóng cửa giữa các quốc gia? Tư duy của Otto mang tính hệ thống rất rất mạnh, rất cô đọng và tinh túy. Và trên hết, tầm nhìn của ông mang tính kiến tạo, giúp phát huy những điều tốt đẹp nhất trong mỗi con người, như những mô hình kiểu Teal (Frederic Laloux) hay bậc màu Vàng [Yellow} và Xanh ngọc [Turquoise] thuộc lý thuyết Mô hình xoắn động [Spiral Dynamics] (Clare Graves) hướng đến. Course về Theory U trên Edx (https://www.edx.org/course/ulab-leading-from-the-emerging-future) vẫn không ngừng được cải tiến liên tục và thu hút thêm mọi người từ mọi lĩnh vực xã hội trên khắp thế giới đến để tìm hiểu làm sao một hệ thống (như mọi tập thể, tổ chức, quốc gia và toàn thế giới) có thể lặn xuống dưới tầng sâu của Ý thức tập thể chung [Consciousness] và nhận thức được chính nó, nâng đỡ cho cái Tương lai muốn được thành hình, thay vì chỉ nhắc lại các bài học từ Quá khứ. Tại Việt Nam đã có vài mô hình có tham khảo Lý thuyết chữ U như XanhShop, Tịnh Trúc Gia. Các mô hình này cũng được nhắc đến trong cuốn “Tinh yếu Lý thuyết U” (The Essentials of Theory U: Core Principles and Applications] (link đọc chương 1 bằng tiếng Anh ở dưới cùng. Sách đã được mua bản quyền tại Việt Nam.) Do đó mình quyết tâm dịch những bài viết của Otto để mong thu hút thêm nhiều người tìm hiểu Lý thuyết chữ U cực xịn này và cùng tham gia hành trình GAIA #GAIAjourney: đó là cùng “hiện cảm” [“presencing”*] điều đang xảy ra và điều muốn được xảy đến, và thiết kế các mô hình nâng đỡ cho tương lai đó. Thời gian này có nhiều nơi đang bị phong tỏa, giới nghiêm. Vậy sẽ ra sao nếu ta dùng thời gian đó để tham gia một hành trình 14 tuần đầy thú vị và kết nối với hàng ngàn người đồng cảm trên thế giới như GAIA (GAIAjourney.org)? Tất cả những gì ta cần là ý định, hứng thú, thấu cảm và quyết tâm. Vân Anh *“Presencing”: Chơi chữ, ghép giữa “Presence” (Hiện diện) và “Sensing” (Cảm nhận): Xin tạm dịch thành “Hiện-cảm”. ——– Bài viết gốc: Eight Emerging Lessons: From Coronavirus to Climate Action Tác giả: Otto Scharmer, Giảng viên tại Học viện công nghệ Massachusetts [Massachusetts Institute of Technology] và đồng sáng lập của Viện Hiện-cảm [Presencing Institute], trong nhóm blog Các Cánh đồng của Tương lai [Fields of the Future]. Khi 100 triệu người ở châu Âu đang phải tự cách ly ở nhà, nước Mỹ dường như không hề chuẩn bị gì cho cơn sóng thần sắp xảy ra. Tiến sĩ Martin Makary, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết: “Chúng tôi sắp trải qua thảm họa sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất từ thời bệnh bại liệt”. “Đừng tin vào những con số bạn nhìn thấy, kể cả trên website Johns Hopkins của chúng tôi, rằng 1.600 người Mỹ có virus. Không, điều đó có nghĩa là 1.600 người đã được test kiểm tra, với kết quả dương tính. Có thể cứ 1 người được xác nhận dương tính là có tới 25 đến 50 người mang virus đó. Tôi nghĩ ở Hoa Kỳ ngay lúc này chúng ta có từ 50.000 đến nửa triệu ca đang đi lại tự do”. Khi trở về Mỹ từ châu Âu trên chiếc máy bay cuối cùng trước khi lệnh cấm du lịch được ban ra cách đây hai ngày, tôi cảm thấy như thể mình đã du hành ngược thời gian. Bây giờ đó chính xác là những gì mọi người nhận xét khi đến châu Âu từ Đông Á. Bạn cảm thấy như thể bạn đang di chuyển ngược thời gian, trở lại trạng thái nhận thức trước đây, nơi mà đất nước khởi điểm đã lướt qua tự bao giờ. Dưới đây là tám bài học tôi rút ra. 1. Sự Đứt gãy do virus Corona đem lại là một Chỉ báo cho Điều sắp xảy ra. COVID-19 đã tiếp tục mở ra tình trạng khủng hoảng (mang tính) đột phá [state of disruption] hiện tại của chúng ta và thật thú vị là nó đã đạt được nhiều thứ hơn là giảm lượng khí thải CO2 trong vài tuần, so với tất cả các cuộc đối thoại về khí hậu trong suốt nhiều năm qua. Trong khi một số thảm họa, như bão, động đất và sóng thần, có xu hướng bộc lộ những điều tốt nhất ở con người (kéo mọi người lại với nhau), thì đại dịch có xu hướng ngược lại, theo như lập luận của nhà báo David Brooks gần đây. Virus đặt một tấm gương trước mặt chúng ta. Nó buộc ta phải nhận thức được hành vi của chính mình và tác động của nó lên tập thể, lên hệ thống. Tấm gương đó nhẹ nhàng mời gọi ta thực hiện một vài hy sinh cá nhân có ích lợi cho toàn thể — chuyển không gian nội tâm của ta từ ego [cái tôi/bản ngã] sang eco [sinh thái]. 2. Hành vi của bạn Thay đổi được Hệ thống Nếu ta có thể học được gì từ khủng hoảng virus Corona, thì đó là chúng ta — mỗi chúng ta — đều có thể thay đổi hệ thống, một cách riêng biệt nhưng lại cùng với nhau. Hãy nhớ lại, khi lần đầu xuất hiện vào đầu tháng 1, loài virus xa lạ từ Vũ Hán có vẻ xa lạ đến thế nào đối với rất nhiều người trong chúng ta? Mà đó mới chỉ một vài tuần trước đây thôi. Đó là một minh chứng mạnh mẽ cho sự kết nối lẫn nhau [interconnectedness] — là tình trạng toàn cầu hiện tại của chúng ta. Chúng ta đông. Chúng ta là một. Bây giờ ta cần làm chậm sự lây lan của virut, làm phẳng đường cong đồ thị, để tránh những đau đớn diện rộng, đau khổ không đáng có đối với những người sống giữa chúng ta: người già, người không có bảo hiểm, người lao động nghèo sống bằng tiền lương trả từng đợt, những người sống một mình và không có bất kỳ mạng lưới an toàn nào hỗ trợ. Việc tự cách ly và giữ khoảng cách xã hội không phải là về bạn; việc đó là để bảo vệ cả những người đặc biệt dễ bị tổn thương. Tóm lại: Hành vi của bạn thay đổi hệ thống. Hành vi đầy chú tâm [mindful] của bạn là cần thiết để tránh sụp đổ hệ thống. Ảnh: Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của một hành khách đến sân bay quốc tế ở Hồng Kông. Như Singapore và Đài Loan, thành phố này đã đi đầu trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. (Bản quyền ảnh: Hannah Mckay / Reuters) 3. Hai Đòn bẩy: Phản ứng Kịp thời của Chính phủ và Nhận thức của Công dân dựa trên Dữ liệu Để làm chậm sự lây lan của virus, chúng ta cần thay đổi hành vi tập thể. Ta có thể thực hiện điều này theo hai cách: thông qua (a) phản ứng kịp thời của chính phủ và (b) nhận thức và hành động của công dân dựa trên kết quả kiểm tra [testing-based]. Trung Quốc, sau khởi đầu chậm chạp, đã điều hướng đại dịch bằng cách chủ yếu dựa vào phản ứng (a) như phong tỏa, cách ly và giữ khoảng cách xã hội, bao gồm cả giám sát việc di chuyển của toàn dân và việc đó đã rất có tác dụng. Ý (và bây giờ là cả Tây Ban Nha) đã theo đuổi một cách tiếp cận mà, trước đó một thời gian dài, hành động của chính phủ khá yếu ớt — cả về các biện pháp kiểm soát và kiểm tra. Nhưng nếu bạn không có quy định hiệu quả và không có dữ liệu đáng tin cậy khi đối mặt với đại dịch, thì chẳng khác gì chạy trong rừng mà mắt bị bịt kín. Kết quả là gây ra đau khổ và số lượng tử vong lớn ở nhóm những người dễ bị tổn thương, ví dụ như những người già cần chăm sóc lại bị từ chối khỏi bệnh viện. Đó có vẻ là con đường mà Mỹ hiện đang đi. Tuy nhiên, có một nhóm thứ ba của các quốc gia dường như đã tìm thấy con đường trung gian. Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc đều đã thành công đáng kể trong việc điều hướng đại dịch mà không áp dụng các biện pháp kiểm soát hà khắc hoặc giám sát công dân. Hàn Quốc đã làm chậm đáng kể sự lây lan của COVID-19 và Singapore, Hồng Kông và Đài Loan đã thành công ngay từ đầu trong việc ngăn chặn lây lan thành đại dịch. Tính đến hôm nay, ngày 16 tháng 3, Hồng Kông có 141 trường hợp được xác nhận, Singapore có 212 và Đài Loan có 53. Họ đã làm điều đó như thế nào? Ảnh những người đi làm đeo mặt nạ để đề phòng sự bùng phát của virus Corona trong một chuyến tàu đi làm buổi sáng ở Singapore. (Bản quyền ảnh: Reuters) Dường như họ đã thành công theo những cách khác nhau, tuy nhiên, có ba chiến lược được chia sẻ: (1) giảm phát sinh các ca mới (hạn chế đi lại), (2) ngăn ngừa lây truyền giữa các ca đã biết và dân số địa phương (cách ly) và (3) ngăn chặn sự lây truyền “thầm lặng” bằng cách giảm tiếp xúc trong cộng đồng (tăng vệ sinh, giữ khoảng cách xã hội, tự cách ly). Bởi vì Singapore là một hòn đảo, lệnh hạn chế đi lại tương đối dễ áp đặt. Chỉ ba ngày (!) sau khi chính quyền Trung Quốc cảnh báo thế giới về dịch ở Vũ Hán, Singapore đã bắt đầu sàng lọc khách du lịch đến từ Vũ Hán để đánh giá thêm và có thể cho cách ly. Sau đó, khách du lịch từ các khu vực bị ảnh hưởng đã được kiểm dịch bắt buộc, các cơ sở được chuyển đổi nhanh chóng để phục vụ chức năng này và tất cả những ai phải nghỉ làm việc đều được chính phủ bồi thường. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để theo dõi các mối liên hệ của những người được biết là có nhiễm bệnh. Các cuộc tụ tập lớn đã bị đình chỉ, nhưng các trường học và nơi làm việc vẫn mở. Đài Loan, cũng là một hòn đảo, trước tiên tiếp tục cho phép đi từ Trung Quốc, kiểm tra và sàng lọc khách du lịch trên các chuyến bay đến. Chỉ sau khi ca đầu tiên từ Trung Quốc được báo cáo, Đài Loan đã cấm (hầu hết) các chuyến bay đến từ Trung Quốc. Đài Loan khuyến nghị tự cách ly và kiểm dịch tại nhà, ngay cả khi các cơ sở dịch vụ công cộng vẫn mở. Trường bị đóng cửa, nhưng chỉ nghỉ thêm hai tuần sau kỳ nghỉ lễ. Hồng Kông, một Khu vực Hành chính Đặc biệt của Trung Quốc, có chung đường biên giới với đại lục và mỗi ngày có khoảng 300.000 người bước qua đó. Họ đã chọn một cách tiếp cận khác. Thay vì ngăn chặn hoàn toàn mọi người khỏi các khu vực bị ảnh hưởng xâm nhập, họ tập trung vào việc ngăn chặn lây truyền trong cộng đồng bằng cách tự kiểm dịch bắt buộc đối với tất cả khách du lịch từ Trung Quốc, trong số những hành khách khác. Họ cũng bắt buộc giữ khoảng cách xã hội. Công chức làm việc tại nhà. Tất cả các trường vẫn đóng cửa và toàn bộ lớp học được tiến hành trực tuyến. Thêm vào đó, chính phủ Hồng Kông chủ động chia sẻ thông tin với công dân của mình. Ví dụ, chính phủ đang xuất bản các bản đồ thật chi tiết [building-level maps] cho thấy nơi mọi người bị nhiễm bệnh, họ ở đó khi nào và cách thức họ bị nhiễm virus, để mọi người có thể xem bản đồ xã hội đang diễn ra thế nào và điều chỉnh hành vi của họ cho phù hợp. Tóm lại: Các quốc gia này đã điều hướng dịch bệnh bằng cách sử dụng kết hợp việc test kiểm tra, minh bạch hóa (thông tin công dân tích cực) và nhận thức của người dân, được hướng dẫn bởi phản ứng kịp thời và chủ động của chính phủ. Nói cách khác, bằng cách không chạy tứ tung trong khi bị bịt mắt. Thay vào đó, họ chạy chậm lại, dừng lại và tháo băng bịt mắt để xem chuyện gì đang xảy ra. Họ đang chia sẻ thông tin một cách minh bạch. Và họ đang di chuyển cùng nhau một cách có ý thức hơn, có chủ ý hơn và nhận thức tập thể được tăng cường. Hình 1 tóm tắt những quan sát này. Hai trục theo dõi hai cách tiếp cận: phản ứng kịp thời của chính phủ và nhận thức của người dân dựa trên dữ liệu. Bạn có thể thấy hành trình của Trung Quốc ở một đầu của phổ (được dẫn dắt bởi hành động của chính phủ). Và hành trình của Mỹ và Ý nằm ở phía bên kia (do công dân lãnh đạo, do thiếu hành động kịp thời của chính phủ). Nhưng điều thú vị là con đường ở giữa: hành trình của Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc. Một điều làm cho họ khác biệt nằm ở lịch sử của họ; họ đã hưởng “ích lợi” từ đợt bùng phát SARS năm 2002, năm 2003, khiến họ phải nâng cấp khả năng sẵn sàng của thể chế. Một yếu tố có lợi khác có thể ít rõ ràng hơn. Tất cả đều có chung một nền tảng văn hóa Nho giáo. Trong nhiều thế kỷ, họ đã ưu tiên chất lượng giáo dục và gửi gắm những người tài năng nhất của mỗi thế hệ vào chính phủ, chứ không phải vào kinh doanh. Bài luận nổi tiếng của Khổng Tử, Đại Học, đã phát biểu về nền tảng này bằng quan sát rằng: để thay đổi thế giới, trước tiên bạn cần nuôi dưỡng trạng thái nội tâm của mình như một con người sống [human being]. Họ chia sẻ cùng một bối cảnh văn hóa tập trung vào sự hài hòa giữa (môi trường) bên ngoài và bên trong. Đó chính xác là thứ cần xem xét ở đây khi bạn suy nghĩ về cách tích hợp hành động của chính phủ với hành động cá nhân. Điều kiện cần có bên trong là gì, nếu tại chỗ đó, có thể tích hợp cả hai đòn bẩy hoặc hai trục này và di chuyển mô hình ứng phó thảm họa của chúng ta từ điểm dưới cùng bên trái sang điểm trên cùng bên phải? 4. Chúng ta đang Đối mặt Với một Lựa chọn Tình hình rirus Corona tạo cơ hội cho tất cả chúng ta tạm dừng, thiết lập lại và bước lên trên. COVID-19, giống như bất kỳ sự đứt gãy mang tính đột phá [disruption] nào, về cơ bản bắt buộc mỗi chúng ta phải đối mặt với một lựa chọn: (1) Tê liệt [freeze], quay lưng lại với người khác, chỉ quan tâm đến bản thân hoặc (2) quay về phía những người khác để hỗ trợ và trấn an những người cần giúp đỡ. Sự lựa chọn giữa hành động từ vị trí cái tôi/bản ngã hay hành động từ nhận thức về hệ sinh thái là một điều mà ta phải đối mặt hàng ngày, mỗi giờ, mỗi khoảnh khắc. Thế giới càng chìm vào hỗn loạn, tuyệt vọng và hoang mang, trách nhiệm của chúng ta lại càng lớn hơn, để tỏa ra sự hiện diện, lòng trắc ẩn và sự tự tin hành động có căn cứ. Hình 2: Hai phản ứng cho tình trạng đứt gãy đột phá — hai “cánh đồng xã hội” Hình 2 tóm tắt sự lựa chọn này bằng cách mô tả hai “cánh đồng xã hội” khác nhau mà ta có thể chọn để thể hiện thông qua các hành động của mình, thông qua các mối quan hệ và thông qua suy nghĩ của chúng ta. Ở nửa trên của hình, bạn thấy phản ứng Tê liệt [Freeze], có xu hướng khuếch đại sự thiếu hiểu biết, ghét bỏ và sợ hãi. Ở nửa dưới, bạn sẽ thấy phản ứng mở, có xu hướng khuếch đại sự tò mò khám phá, lòng trắc ẩn và lòng can đảm. Mặc dù hiện tại việc tạo khoảng cách vật lý về mặt xã hội là cần thiết, nhưng điều đó không có nghĩa là ta nên tê liệt tình trạng bên trong của mình. Trên thực tế, trong vài ngày qua, ta đã thấy những ví dụ rất cảm động từ Ý và Tây Ban Nha về việc giữ khoảng cách vật lý có thể được đáp lại bằng lòng trắc ẩn và sự đồng cảm như thế nào. Như một công dân từ Tây Ban Nha đã chia sẻ vào cuối tuần qua: “Sáng sớm hôm nay có một lời kêu gọi trên mạng xã hội ở Tây Ban Nha rằng mọi người hãy đi ra ban công và cửa sổ vào lúc 22:00 [10 giờ tối] để vỗ tay thật to cảm ơn và hỗ trợ tinh thần nhân viên y tế. Lúc đó là 22:05 và tôi có thể nghe thấy tiếng gầm rú từ phía bên kia cửa sổ kính đôi đóng kín.” 5. Sự Suy tàn của Trump và những người theo Chủ nghĩa Dân túy Cực hữu Việc một người phản ứng với sự đứt gãy — bằng cách tê liệt và quay lưng hoặc bằng cách mở và quay về phía trước — vừa là một lựa chọn cá nhân vừa là lựa chọn tập thể. Trong bốn năm qua, tất cả chúng ta đều đã chứng kiến sự tăng tiến tột độ trong phản ứng tê liệt của cả quốc gia, do Trump, Bolsonaro, Orban, Salvini, Modi, Johnson mang lại. Danh sách cứ thế kéo dài. Mặc dù Trump đã thoát tội nói tới hơn 16.000 lời nói dối kể từ khi nhậm chức, nhưng lần này có thể khác. Trong những khoảng thời gian “bình thường”, bạn có thể nhẹ nhàng rời đi sau khi nói những điều vô nghĩa vì đối với một số người, điều đó ít gây ra hậu quả và đôi khi còn giúp giải trí chút ít. Nhưng trong khoảng thời gian đứt gãy đòi hỏi đột phá này, các hành vi tương tự (chối bỏ, thờ ơ, vắng mặt, đổ lỗi, hủy diệt [denial, desensing, absencing, blaming, destroying]) kết hợp với nhau như một động cơ mạnh mẽ tăng tốc quá trình tự hủy diệt. Khi cơ chế động này trở nên rõ ràng, khi những sự cố thảm khốc sẽ dẫn đến hậu quả trực tiếp, tâm trạng chung sẽ thay đổi và nhiệm kỳ tổng thống của Trump có thể sẽ sớm trở thành lịch sử — nếu cuộc bầu cử diễn ra đúng tiến độ trong năm nay. Mặc dù tôi sử dụng Trump để minh họa những hành vi dưới đây, tôi không có ý ám chỉ điều này chỉ dành cho nước Mỹ. Boris Johnson và nhiều chính khách khác đang thể hiện những điểm mù tương tự về khả năng lãnh đạo của họ. Quan điểm chung của tôi là về lối tư duy ngầm ẩn của họ, đó là một trong những lối trốn tránh thực tế — ở đây là trốn tránh khoa học và dữ liệu — thay vì chấp nhận chúng khi mọi thứ khó khăn. Rõ ràng, lối tư duy này đang đi trên tiến trình va chạm dữ dội với thực tế mà ta nói đến. Theo Andy Slavitt, quản trị Medicare và Medicaid thuộc chính quyền Obama, các bệnh viện ở Mỹ có thể bị ngập lụt với các ca virus Corona trong vòng chưa đầy một tuần và dẫn đến tình trạng leo thang giống như sóng thần, sẽ khiến hàng chục nghìn người phải điều trị và chăm sóc y tế nội trú, nhưng không có khả năng nhận được chúng. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng hơn 1 triệu người có thể chết ở Mỹ do virus Corona.Dưới đây là cách chúng ta có thể xem thất bại lãnh đạo này qua lăng kính Vắng mặt [Absencing] (xem hình 2): Phủ nhận, chối bỏ [Denial]: “Tội khởi thủy là sự chối bỏ kéo dài hàng tháng của ông Trump và việc ông tháo dỡ cơ sở hạ tầng về sức khỏe cộng đồng và về ứng phó”, ông Andy Slavitt nói. Trong khi Singapore và Đài Loan mất khoảng ba ngày để đối phó với sự bùng phát virus vào đầu tháng 1, Trump đã không hành động cho đến giữa tháng ba. Bộ dụng cụ kiểm tra vẫn hầu như không có sẵn. Tổng số lượt kiểm tra tại Hoa Kỳ cho đến ngày 15 tháng 3 là khoảng 10.000 — chỉ bằng số lượng người được xét nghiệm COVID-19 tại Hàn Quốc trong một ngày. Nói cách khác: ở Mỹ, chỉ tời bây giờ ta mới bắt đầu giải quyết tình hình, sau hẳn hai tháng. Ngược lại, Angela Merkel đã cảnh báo thẳng thừng rằng hai phần ba người Đức có khả năng nhiễm virus. Thờ ơ [Desensing]: Trump từ chối cung cấp dịch vụ chăm sóc cần thiết cho công dân Mỹ trên tàu Grand Princess sang trọng để số lượng virus Corona “của ông ta” sẽ không tăng lên khi những hành khách đó rời tàu. Ông tiếp tục thể hiện sự hoàn toàn thiếu đồng cảm và lòng trắc ẩn. Vắng mặt [Absencing]: Toàn bộ những gián đoạn này cho phép xuất hiện những khoảnh khắc sâu sắc của việc “buông bỏ [letting go]” và “để yên cho (điều thích hợp) tự đến. [letting come]” Bất kỳ sự lãnh đạo nào kích hoạt tầng mức sâu sắc hơn của nhân loại này đều hoàn toàn thiếu trong trường hợp của Trump. Các ví dụ gần đây bao gồm việc ông từ chối mua bộ dụng cụ test kiểm tra hiện có do Roche phát triển, trong khi việc đó sẽ giải quyết được vấn đề test kiểm tra từ nhiều tháng trước, cũng như toan rót “một khoản tiền lớn” để được độc quyền tiếp cận vaccine Covid-19 do một công ty dược phẩm sinh học CureVac có trụ sở tại Đức phát triển. Ban lãnh đạo của công ty đã từ chối lời đề nghị, cùng lúc nói lên khát vọng đạo đức phục vụ toàn bộ cộng đồng toàn cầu, thay vì chỉ một quốc gia. Đổ lỗi cho người khác [Blaming others]: Tất cả các thông báo của Trump cho đến nay đều bị dẫn hướng bởi suy nghĩ rằng nguồn gốc của vấn đề là từ “chúng nó”, không phải là “chúng ta” — mặc dù có bằng chứng mạnh mẽ rằng virus đã lan truyền trong nước Mỹ từ lâu. Gọi dịch bệnh này là một loại “virus Trung Quốc” đã giúp ông ta biện minh cho một số lệnh cấm du lịch, điều này ban đầu chắc chắn là hữu ích. Tuy nhiên, suy nghĩ tương tự cũng khiến ta ngày càng không thể thúc đẩy hai chiến lược quan trọng khác: ngăn chặn sự lây truyền giữa các ca đã biết và cộng đồng địa phương, và ngăn chặn sự lây truyền thầm lặng bằng giữ khoảng cách xã hội và tự cách ly. Phá hủy [Destroying]: Trump tiếp tục đánh mất niềm tin của các đồng minh châu Âu bằng cách che mắt họ bằng thông báo về lệnh cấm du lịch và bằng cách mua quyền tiếp cận độc quyền vaccine, điều này sẽ loại trừ phần còn lại của thế giới khỏi việc tiếp cận vaccine. Trump đã rất chắc chắn trong các cuộc tấn công vào khoa học, các tổ chức chính phủ và các định chế đa phương — từ việc giải tán lực lượng CDC của chính ông tại Nhà Trắng, cho đến rút khỏi Hiệp định Paris, làm xói mòn niềm tin vào các tổ chức này chính xác khi chúng ta cần chúng nhất. Tất cả những hành vi này tạo thành một mô hình ra quyết định khiến ta tiến tới sự tự hủy diệt. Điều này càng trở nên rõ ràng thì càng nhiều khả năng mô hình cũ này sẽ va vấp và càng có nhiều khả năng cho một mô hình hợp tác xã hội mới xuất hiện. Điều đó không có nghĩa là chủ nghĩa Trump đã cáo chung. Nhưng việc nó sắp đâm đầu vào tường ngày càng trở nên rõ ràng và hữu hình hơn nhiều so với những gì chúng ta từng thấy trước đây. Chúng ta có một sự lựa chọn — minh họa trực quan của Rachel Hentsch 6. Sự trỗi dậy của Hành động Tập thể dựa trên Nhận thức do Dữ liệu dẫn dắt Khủng hoảng Virus Corona đang thúc đẩy ta ứng biến những cách thức mới để hợp tác và phối hợp. Hành động Tập thể dựa trên Nhận thức do Dữ liệu Dẫn dắt [Data-driven Awareness-Based Collective action (D-ABC)] vận hành bằng cách cùng tham gia vào một tình huống, và sau đó điều chỉnh hành vi của mỗi người cho phù hợp. Một cách khác để mô tả kiểu quản trị này là phối hợp bằng cách buông bỏ [letting go] và để tự đến [letting come], dựa trên những gì chúng ta đang thấy cùng nhau: từ bỏ các kế hoạch trước đó, và để yên cho những gì sắp tới sẽ xuất hiện. Vào năm 2008, trong một thời điểm gián đoạn trước đây thuộc thế giới tài chính, chúng ta đã thấy hầu hết các tổ chức lớn đột nhiên chuyển sang một phương thức hoạt động khác. Họ đã phải từ bỏ các kế hoạch hàng năm và các mục tiêu hàng quý đã được đặt ra trước cuộc khủng hoảng tài chính, và thay vào đó dành sự chú tâm đầy đủ đến tình huống khi nó diễn ra và điều chỉnh hành vi của họ cho phù hợp. Đó là một kỹ năng và năng lực mà chúng ta rất cần trong nhiều lĩnh vực khủng hoảng xã hội và môi trường khác hiện nay. Trong thời gian hoạt động kinh doanh như thường lệ, chúng ta có xu hướng thuê ngoài cho việc điều phối các hệ thống của chính mình, chẳng hạn như bàn tay hữu hình của quy định chính phủ hoặc bàn tay vô hình của thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian đứt gãy, các cơ chế này có xu hướng bị phá vỡ. Khi điều đó xảy ra, chúng ta, những nhân tố chính trong các hệ thống (nơi ta cùng đóng các vai trò khác nhau [co-enact]) cần phải kết hợp với nhau để cùng cảm nhận [co-sense] và cùng định hình [co-shape] cái tương lai muốn xuất hiện. Nói cách khác, sự chú tâm và ý định của chúng ta cần nhanh chóng phù hợp với những gì đang thực sự xảy ra trong thời điểm này. Học cách kết nối một cách có ý thức và có chủ ý hơn có thể là “món quà” quan trọng nhất nổi lên từ khủng hoảng này. Để đường lối phối hợp mới này được vận hành một cách nhuần nhuyễn, dường như có hai điều kiện quan trọng sau: Thông tin chính xác về những gì đang xảy ra trong thời điểm này; và, Có một không gian nâng đỡ [holding space] giúp mọi người hành động vì sức khỏe và hạnh phúc [well-being] của toàn thể, cho phép họ chuyển từ cái tôi/bản ngã [ego] sang sinh thái [eco]. Năng lực tập thể mới này sẽ rất quan trọng trong việc giải quyết nhiều lĩnh vực khủng hoảng khác trong những năm kế tiếp, từ hành động khí hậu, đa dạng sinh học, những câu hỏi về người tị nạn, cho đến công bằng xã hội và sức khỏe, hạnh phúc cho tất cả mọi người. 7. Giờ đây Ta Cần Đối thoại về: Tái hình dung nền Văn minh của Chúng ta Mỗi sự gián đoạn có hai mặt: những thứ ta cần buông bỏ, và những thứ sắp xuất hiện. Về mặt buông bỏ, sẽ rất thú vị khi quan sát xem chúng ta có thể điều chỉnh nhanh như thế nào, với tư cách là một cộng đồng toàn cầu. Đột nhiên, ta thấy là hơn một nửa các cuộc họp thường hay phủ kín lịch của ta có thể lại không cần thiết, dù ta đã từng nghĩ rằng chúng thiết yếu. Vậy tại sao ta cứ bận rộn với những thứ không cần thiết? Đó sẽ là một câu hỏi tuyệt vời cần được nói ra. Câu hỏi tiếp theo có thể là: Nếu ta buông bỏ mọi thứ không cần thiết — vậy sẽ còn lại gì? Đây lại là một câu hỏi hay khác (hay “mantram”) để suy ngẫm [meditate on]. Sau quá trình chiêm nghiệm[contemplation] này, dù câu trả lời được gợi mở ra cho bạn là gì, hãy giữ nó trong tim bạn đã. Rồi sau đó, câu hỏi thứ ba để suy ngẫm có thể là: Điều gì sẽ xảy ra nếu ta sử dụng sự đứt gãy mang tính đột phá này như một cơ hội để từ bỏ mọi thứ không cần thiết trong cuộc sống, trong công việc và trong các thói quen tổ chức thường ngày của chúng ta? Ta có thể hình dung lại cách ta sống và làm việc cùng nhau như thế nào? Ta có thể hình dung lại các cấu trúc cơ bản của nền văn minh của chúng ta như thế nào? Điều đó có nghĩa là: Ta có thể tái hình dung hệ thống kinh tế, dân chủ và học tập của chúng ta như thế nào, theo cách bắc lại những cây cầu nối cho sự chia rẽ sinh thái, xã hội và tâm linh của thời đại chúng ta hiện nay? Với gia đình chúng ta. Với các tổ chức và cộng đồng của chúng ta. Nếu có bất cứ điều gì tôi học được từ những cú đứt gãy trước đây mà tôi đã chứng kiến, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thì đó là: sự đứt gãy tương tự có tác động khác nhau đáng kể đến các tổ chức khác nhau, tùy thuộc vào cách lãnh đạo — và cách mọi người hay những người-kiến-tạo-thay đổi [change-makerss] nói chung — đáp ứng với tình huống đó. Cho dù đó là bằng cách quay đi và tê liệt (tức là, vận hành theo nửa trên của hình 2) hay bằng cách quay ra phía trước và mở ra (tức là, vận hành theo nửa dưới của hình 2). Tôi cũng đã thấy rằng ngay cả trong một tổ chức đơn lẻ, một số nhà lãnh đạo có thể thể hiện một trong những phản ứng này (nghĩa là che giấu tình huống), trong khi những người khác thể hiện cách phản ứng khác (nghĩa là kết nối với mọi người xung quanh trong thời điểm dễ bị tổn thương). Sự khác biệt về tác động của hai cách phản ứng này là hữu hình và sâu sắc: khối nhóm đầu tiên sẽ tan tác, trong khi các khối nhóm khác có xu hướng phát triển cùng nhau ở mức độ cộng hưởng tập thể chưa từng thấy trước đây. Điều này đưa ta quay trở lại với cội nguồn Nho giáo của 4 quốc gia “Tứ Hổ”: rằng những thay đổi bên ngoài cần thiết ngày nay đòi hỏi ta phải điều chỉnh và kích hoạt phần nguồn bên trong của chính chúng ta: những mức độ, tầng cấp sâu sắc hơn của nhân loại. Tất nhiên, những gốc rễ sâu hơn này không chỉ bị ràng buộc bởi Nho giáo; chúng vốn nằm trong tất cả các nền văn hóa của chúng ta, và chúng đang ngủ say bên trong mỗi con người. Nhưng liệu ta có thể kích hoạt những nguồn hiểu biết sâu sắc hơn không? Và làm thế nào ta có thể kích hoạt chúng không chỉ ở cấp độ của cá nhân, mà còn ở cấp độ của toàn hệ thống? Làm thế nào ta có thể nâng cấp “hệ điều hành” trong các hệ thống quan trọng khác nhau (của một tập thể, quốc gia, khu vực, thế giới) ? Điều này rõ ràng đòi hỏi chúng ta phải nâng cấp: cơ sở hạ tầng học tập của chúng ta — hướng đến việc học tập hướng đến toàn-thể-con-người [whole-person] và toàn hệ thống [whole-systems learning]; cơ sở hạ tầng dân chủ của chúng ta, bằng cách làm chúng trở nên trực tiếp hơn, phân bổ rộng rãi hơn và mang tính đối thoại hơn; và cơ sở hạ tầng kinh tế của chúng ta, theo hướng chuyển nhận thức từ hệ thống bản ngã [ego-system] sang nhận thức hệ sinh thái [eco-system]. Ta có thể sử dụng tình huống hiện tại của mình như thế nào để làm chậm lại, tạm dừng và kết nối với các cội nguồn tĩnh lặng sâu hơn? Có lẽ điều cần được kêu gọi hiện nay là một “khoảnh khắc toàn cầu”, trong đó mọi thứ và mọi người dừng lại trong một khoảnh khắc tĩnh lặng, trong một khoảnh khắc kết nối với cội nguồn. Dù bạn chọn làm gì — và chúng ta chọn làm gì — trong thời điểm này, cho dù chúng ta có tê liệt và quay ngược lại hay mở ra và hướng về phía trước, đừng quên rằng, theo lời của nhà thơ người Đức Hölderlin, “Nguy hiểm ở chỗ nào, sức mạnh cứu rỗi cũng nảy nở chỗ đó.” Nguy hiểm ở chỗ nào, sức mạnh cứu rỗi cũng nảy nở chỗ đó. Đó là điều tôi đã trải nghiệm nhiều lần. Nhưng điều đó chỉ vận hành được một cách tập thể nếu chúng ta chậm lại, tạm dừng và tháo băng bịt mắt để tham dự cái Thực Tại Hiện Tiền/Hiện Tại [the Now]. Có những gì thực sự nổi lên từ cái Hiện Tại? Chúng ta có thể thấy sự khởi đầu của một làn sóng mới: siêu-địa phương hóa nền kinh tế của chúng ta, hỗ trợ các nông dân và các nhà sản xuất nhỏ — họ có thể trở nên kiên cường sau những gián đoạn chuỗi cung ứng. Chúng ta có thể thấy sự khởi đầu của một nền kinh tế có chủ ý hơn, giống như mô hình CSA [Community Supported Agriculture/Nông nghiệp với Hỗ trợ từ Cộng đồng] — dựa trên việc điều chỉnh các hoạt động kinh tế xoay quanh một ý định chung, được chia sẻ cho tương lai, cụ thể là đồng sáng tạo một nền nông nghiệp tập trung vào hệ sinh thái, trái ngược với việc nới rộng lối mòn quá khứ dựa trên những trao đổi hướng đến cái tôi/bản ngã [ego-driven transactions]. 8. Trường học Chuyển hóa: Kích hoạt những Cánh đồng Xã hội giúp Khai sinh Nhiều người trong chúng ta cảm thấy rằng mình đang sống trong thời đại thay đổi sâu sắc — thay đổi không chỉ về những điều sẽ chấm dứt, mà còn về việc gieo hạt giống, vun trồng và phát triển một nền văn minh mới trong nhiều thập kỷ và thế kỷ tới. Điều đó đúng trước đại dịch COVID-19, và nó sẽ đúng cả sau đó. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ứng phó với tình hình hiện tại theo những cách giúp tiềm năng to lớn đem lại sự thay đổi tích cực này được thể hiện? Ta có thể tái hình dung và tái định hình các hình thức tạo ra phong trào [movement-making] khác nhau của chúng ta như thế nào để đi theo những cách cho phép chúng ôm trọn các nguyên tắc giúp đổi mới xã hội và chữa lành hành tinh? Ta có thể tái định hình cấu trúc học tập và lãnh đạo của mình như thế nào để đi theo cách chuyển trọng tâm học tập từ phía dưới bên trái (đào tạo từng cá nhân) sang phía trên bên phải của hình 3 (học tập theo cấp độ hệ sinh thái)? Hình 3: Ma trận Học tập và Lãnh đạo theo Hệ thống Tại Viện Hiện-cảm [Presencing Institute], chúng tôi đã tạo ra các format mẫu khác nhau và đã được chứng minh tác dụng cho việc học tập và lãnh đạo dựa trên hệ sinh thái và mang tính chuyển hóa. Tuy nhiên, để các format này có thể tiếp cận được ở quy mô cần thiết ngày nay, ta sẽ cần một nền tảng [platform] và mạng lưới các địa điểm mới — hãy nghĩ về nó như một “Trường học (dành cho sự) Chuyển hóa” [School for Transformation]— tập trung vào việc kích hoạt các “cánh đồng xã hội” giúp khai sinh, thông qua việc cung cấp hiểu biết về cách thức chuyển hóa theo chiều dọc. Hình 4: Trường học Chuyển hóa — Kích hoạt các Cánh đồng Xã hội giúp Khai sinh — minh họa trực quan của Olaf Baldini Bài chuyên đề này đã thảo luận về một số kinh nghiệm học tập đầu tiên mà chúng ta thấy xuất hiện từ cuộc khủng hoảng virus Corona và phản ứng của chúng ta với nó. Bức tranh thâu tóm các cách phản hồi của chúng ta tạo thành một “cánh đồng” đầy những khả năng thú vị. Tôi nhận định rằng cách phản hồi của bốn quốc gia “Tứ Hổ” là thú vị từ góc độ hệ thống, bởi vì nó pha trộn hành động chủ động của chính phủ với nhận thức của người dân dựa trên dữ liệu. Từ đó, tôi khám phá những điều kiện bên trong khác nhau để có thể tạo ra, hoặc là một “cánh đồng xã hội” của sự đồng-sáng tạo (“hiện-cảm” [presencing]) hoặc một mảnh đất tự hủy diệt. Điều này để lại cho chúng ta một câu hỏi: Bây giờ thì sao? Theo quan điểm của tôi, một trong những ưu tiên cấp bách nhất trong những năm tới là nuôi dưỡng những điều kiện sâu hơn này cho các hành động cá nhân và tập thể của chúng ta theo những cách dễ tiếp cận, được tạo thành các mô-đun và có thể nhân rộng được, để mọi người có thể tích hợp chúng vào việc xây dựng phong trào xã hội và cơ sở hạ tầng phục vụ việc học tập của riêng họ. GAIA: Kích hoạt Toàn cầu Ý định và Hành động [GAIA: Global Activation of Intention and Action] Vì lý do này, bắt đầu từ tuần tới, các đồng nghiệp của tôi và tôi sẽ cung cấp một cơ sở hạ tầng học tập toàn cầu miễn phí, trực tuyến, dựa trên ền tảng Zoom và được thiết kế theo cách kích hoạt những “cánh đồng xã hội” giúp khai sinh, ở tất cả những người tham gia trong suốt những tuần tới. Ý tưởng là cung cấp cơ sở hạ tầng này như một hành trình cho những người-kiến-tạo-thay-đổi từ mọi lĩnh vực, hệ thống và văn hóa — một hành trình mà cuối cùng sẽ đưa đến một Diễn đàn đa khu vực, đa địa phương, toàn cầu, được đồng kiến tạo bởi những người tham gia và sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm nay. Format thực của hành trình này và của Diễn đàn sẽ phát triển cùng với tình hình thực tế và được điều chỉnh theo tình huống diễn ra xung quanh ta, giữa cộng đồng của ta và bên trong mỗi chúng ta. Đây là một cơ sở hạ tầng mời gọi bạn tham gia với toàn bộ Tự ngã [Self] của bạn và được thiết kế để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, cho dù bạn muốn tham gia tại nhà trong khi tự cách ly hay phối hợp cùng bạn bè và những người kiến-tạo-thay-đổi, trong tổ chức địa phương hay cộng đồng của bạn . Nếu bạn muốn tham gia, hãy vào trang miêu tả hành trình Global Activation of Intention and Action (GAIA) và đăng ký phiên họp đầu tiên vào thứ Sáu ngày 27/3 (Bài dịch này được đăng ngày 30/3 do đó phiên họp đầu tiên đã qua, nhưng bạn hoàn toàn có thể đăng ký các phiên tiếp theo tại link bên trên, và xem lại video phiên họp ngày 27/3 trên page của Presencing Institute). Bây giờ là thời gian để tạm dừng, để cảm nhận, để kết nối và sau đó hành động cùng nhau. Nguồn bài viết: Nguyễn Vân Anh