Giáo dục thời Covid-19: “Mọi thứ cần trở về đúng giá trị của mình” Covid 19 có lẽ là tin buồn mới nhất của năm thập kỷ này, nhưng có phải là tin buồn nhất không thì chưa biết. Chúng ta mới trong những ngày tháng đầu tiên của thập kỷ mới và của của chu kỳ dịch bệnh chưa rõ hồi kết. Không cần nhiều chuyên môn về kinh tế cũng có thể thấy những đổ vỡ mang tính dây chuyền đang và sẽ diễn ra. Những ngày này là những ngày thực sự “ngồi trên đống lửa" đối với những người làm giáo dục mầm non, có lẽ họ là nhóm đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi khủng hoảng. Hoang mang và hy vọng có lẽ là những xúc cảm chủ đạo của những người làm chủ trường bởi những gì đang diễn ra so với độ tuổi ngôi trường của họ là chưa từng có tiền lệ. Nhiều người đã bàn nhau làm đơn xin chính phủ giải cứu như giải cứu nông sản, có người thì gợi ý cho các cô giáo đi bán hàng để có thu nhập, người thì đề xuất cho giáo viên nghỉ việc để xin trợ cấp thất nghiệp từ cơ quan bảo hiểm. Tôi chưa bàn về khía cạnh đúng sai của các giải pháp (và có lẽ cũng không bàn) nhưng nói vậy để mọi người hiểu, không khí đang bi đát và tang thương như thế nào trong cộng đồng những người làm giáo dục đầu đời, giai đoạn được cho là quan trọng nhất trong cuộc đời của một con người. Nhưng tôi không bi quan, trái lại tôi còn cảm thấy còn lạc quan về tương lai của ngành giáo dục, bởi vì sau cuộc khủng hoảng này, mọi thứ sẽ trở về gần hơn với đúng giá trị của nó. Hay nói nôm na đó là, chi phí dành cho giáo dục sẽ bớt rẻ mạt hơn như thời hiện tại. Điều này tốt toàn bộ nền giáo dục, cho cả những người làm giáo dục, người giáo viên, người làm cha mẹ và cuối cùng là người học (quan trọng nhất). Tôi sẽ phân tích dưới đây. Những nhà trường có thể trụ lại sau đợt khủng hoảng này một cách rất tự nhiên sẽ tự chuẩn bị cho mình các khoản chi phí tháng 13 – 14 – 15 thậm chí lâu hơn nữa để ứng phó với những rủi ro về mặt chính sách mang tính bất khả kháng tương tự trong tương lai. Khi nhu cầu giáo dục của xã hội là không đổi (thậm chí có thể sẽ còn dồn dập trở lại bởi thời gian ngưng trệ quá lâu), số trường lớp giảm đi (vì đóng cửa), số thầy cô giảm đi (vì chuyển nghề), chi phí giáo dục tăng là điều tất yếu. Việc chi phí phí tăng, trong dài hạn sẽ thúc đẩy đầu tư vào giáo dục, sẽ tiếp tục có các trường mới được mở ra nhưng chắc chắn mức giá mới cao hơn sẽ được thiết lập. Khi có nhiều nguồn lực tài chính hơn, các chủ trường sẽ có thể tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, các cô được học hành nâng cao trình độ (thay vì phải bán hàng online thêm), nhờ thế mà bọn trẻ được hưởng chất lượng giáo dục tốt hơn. Còn trong bối cảnh hiện tại mang tính bờ vực của nhiều trường, lời khuyên duy nhất của tôi dựa trên nhận thức ít ỏi của mình là mỗi trường sẽ phải tự hành động và ngưng trông chờ vào sự giải cứu từ bất cứ ai, tổ chức nào. Đơn giản không phải ai tốt ai xấu mà bởi tất chúng ta đều đang hoang mang giống nhau trong thời cuộc này. Những giáo viên sau đợt khủng hoảng này cũng có cơ hội để nghĩ lại lựa chọn của mình. Liệu giáo dục có phải là ngành nghề mình thực sự muốn theo đổi hay chỉ đơn giản là một “công ăn việc làm" ổn định hay không? Vì bây giờ nó cũng không còn ổn định nữa rồi. Những ai xác định sẽ ở lại, tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp này thì hãy xác định cho mình một tâm thế mới gần gũi hơn với thời cuộc. Ở một thời cuộc mà thay đổi là hằng số duy nhất thì người thầy cần chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đón nhận sự đổi thay về tư duy giáo dục, mục tiêu giáo dục, phương pháp giáo dục, và vai trò mới của chính mình trong thế kỷ này. Nếu muốn những đứa trẻ có thể thích nghi với sự thay đổi của thế giới (kể cả những cuộc khủng hoảng), những nhà giáo phải tự học cách giúp mình thích nghi trước tiên. Bằng không những gì chúng ta dạy bọn trẻ chỉ là những tri thức giáo điều và xáo rỗng. Khi người thầy được trở về đúng giá trị của mình, hay tìm được ý nghĩa thực sự của sự nghiệp giáo dục, họ sẽ bớt phụ thuộc vào những ghi nhận của thị trường (dù tôi vẫn tin mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn với nghề giáo), và quan trọng hơn cả, họ sẽ giúp được những đứa trẻ tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình và vươn tới sự tự do. Resilience – sự bền bỉ có lẽ sẽ là keyword cho mục tiêu giáo dục của thế kỷ 21. Harari đã đặt tên cho phần cuối cùng của cuốn sách “21 bài học cho thế kỷ 21" với từ khóa này kèm theo chú thích “Ta sống ra sao trong thời đại của sự hoang mang, khi các câu chuyện cũ đã sụp đổ và chưa có câu chuyện mới nào xuất hiện để thay thế?". Tôi mong các thầy cô sẽ tìm đọc cả cuốn sách này hoặc riêng phần này để hiểu rõ hơn về 3 bài học cuối cùng trong 21 bài học. Những phụ huynh nhờ khủng hoảng mà cũng trở về đúng giá trị của mình. Cụ thể họ sẽ cân nhắc kỹ hơn việc chi tiêu cho giáo dục, họ dành thời gian của mình cho con nhiều hơn và bớt gửi con lăng nhăng tới bất cứ mô hình giáo dục nào mà họ thấy ngon bổ rẻ. Nhờ vậy mà bọn trẻ có được khoảng thời gian chất lượng với cha mẹ chúng, thứ mà theo lẽ tự nhiên tất cả các phụ huynh đều có 1 khoản “vốn" bằng nhau, chính là mươi mấy năm đầu đời của đứa con của mình. Nói rộng hơn một chút ngoài tầm biên giới, chi phí gửi trẻ (daycare) ở những quốc gia phát triển nhất thường chiếm một tỷ trọng rất lớn trong thu nhập của các bậc cha mẹ. Nó lớn đến mức các gia đình phải đưa ra lựa chọn, ở nhà trông con hoặc gửi trẻ và rất nhiều gia đình lựa chọn việc 1 trong hai người sẽ ở nhà để nuôi con toàn thời gian để đạt lợi ích tối đa cho cả gia đình. Homeschool vì thế mà ra đời và dần không còn xa lạ hiện nay không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam (mặc dù mô hình này vẫn có rất nhiều hạn chế nếu đứng riêng rẽ). Và cuối cùng thì đứa trẻ cực kỳ được lợi trong hoàn cảnh này. Tất nhiên không thể đem bối cảnh các quốc gia phát triển để so sánh với bối cảnh Việt Nam, nhưng dẫn chứng để cha mẹ thấy vai trò của parenting trong early childhood education quan trọng nhường nào. Nhân khủng hoảng, cha mẹ hãy đi học về parenting đi, phần vì chi phí giáo dục sẽ ngày một đắt đỏ, phần vì tương lai sẽ ngày một bất trắc. Lúc này không ai có thể dám chắc trường học khi nào mới mở cửa và ngay cả khi tuần sau trường học mở cửa trở lại thì không biết một ngày nào đó nó sẽ phải đóng lại, thậm chí còn lâu hơn. Còn những đứa trẻ của chúng ta thì cứ ngày một lớn theo thời gian. Đó là những lý do khiến tôi tin rằng, mọi thứ sẽ tốt dần lên khi nhà trường, thầy cô và cha mẹ được làm đúng công việc của mình và được ghi nhận bằng đúng những giá trị của mình đem lại. Khi đó đứa trẻ sẽ nhận được những gì tốt nhất từ những người đang nuôi, dạy chúng. Nhưng việc gì thì cũng cần thời gian. Cơn bão thực sự mới chỉ bắt đầu thôi, chúc tất cả mọi người vững tâm vượt qua giông tố.