Từ ứng phó sang thay đổi: tư duy giáo dục mới sau Covid 19

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của anh Nguyễn Hoàng Việt – sáng lập viên và CEO Trường ngoại khóa phát triển kỹ năng và bản lĩnh Dream&Do.


Giờ đây, khi mọi thứ bắt đầu ổn định trở lại, nhìn lại những gì đã trải qua trong mấy tháng quá, tôi nhận thấy rằng, thứ mà mỗi người chúng ta thực sự phải đối phó trong thời gian qua không phải là dịch bệnh mà chính sự hoang mang, hoảng loạn, bất an, giận dữ trong tâm trí mình. Con virus khiến chúng ta trở nên cảnh giác, nghi kỵ, với bạn bè, đồng nghiệp và đôi khi với chính những người thân trong gia đình mình. Trên nhận thức cá nhân của mình, tôi cho rằng, thế giới kể từ đây sẽ vận hành kiểu như vậy (dù số đông có thể vẫn chưa chấp nhận). Sẽ có nhiều hơn những thứ khiến con người trở nên sợ hãi, xa cách nhau, nghi ngờ nhau không phải bởi nó nguy hiểm mà đơn giản bởi chúng ta biết quá ít về nó (loài người với lịch sử ngắn ngủi của mình, thực ra biết rất ít về mọi thứ nhưng lại cứ tưởng rằng mình biết rất nhiều).

Việc nhận ra trạng thái “vô thường” của cuộc sống sẽ khiến chúng ta trở nên hoang mang hơn nếu mỗi người không chấp nhận bản chất này. Trước khủng hoảng, không ai nghĩ rằng sẽ có một ngày cả thế giới sẽ phải ở trong nhà, những định chế khổng lồ mà bạn không bao giờ nghĩ có thể sụp đổ nay đứng trước nguy cơ phá sản, công việc mà bạn đã làm trong hàng chục năm có bỗng trở nên không cần thiết nữa…”Bình thường mới” đối với tôi là một trạng thái mới về tư duy mà ở đó con người phải nhận ra cuộc sống vốn dĩ là những điều “vô thường” chứ không phải cái cách mà chúng ta đang cùng nhau đang định nghĩa, tức là “mọi người dân trở lại sản xuất kinh doanh như bình thường”, hay học sinh quay trở lại trường bình thường. Nếu gọi đó là bình thường “cũ” thì còn tạm chấp nhận được.

Trở lại với chủ đề giáo dục, thứ mà tôi ngày một nhận ra cần gắn liền nhiều hơn với cuộc sống, với những kết nối cơ bản, với thế giới quan khiêm nhường trước tự nhiên. Những gì chúng ta đã làm mới chỉ mang tính ứng phó, tức tìm cách để duy trì cái cũ chứ không phải tạo ra cái mới. Và khi những cái sai cứ thể được nối dài, người chịu thiệt thòi là những đứa trẻ. Trường học, nơi mà bọn trẻ dành ít nhất 1/3 thời gian hàng ngày, từ lâu đã trở thành những khuôn mẫu bị xói mòn, dùng để “đúc” ra hàng triệu đứa trẻ na ná nhau mỗi ngày. Trước khủng hoảng, chúng ta vẫn định nghĩa giáo dục một đứa trẻ chính là đi học (schooling), để rồi hoang mang khi school đóng cửa. Những tương tác giữa những chủ thể liên quan tới giáo dục trong thời covid bộc lộ những câu chuyện đáng buồn. Nhà trường, một cách gượng ép, đưa tất cả mọi thứ lên online bắt học sinh phải học để học cho đủ chương trình. Mọi thứ đều online hết kể cả thể dục. Mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh trong thời covid là học phí, trong tư duy của họ, việc cho con đi học ở trường cũng giống như mua một món hàng, một loại dịch vụ. Điều “khách hàng” quan tâm là hãy cung cấp cho tôi đủ số giờ dạy, số bài học theo quy định (quy chuẩn). Rồi có biết bao chuyện lùm xùm xung quanh chuyện thu học phí thời covid.

Khi dịch bệnh tạm lắng xuống, cha mẹ háo hức mong chờ trường học mở cửa trở lại không phải vì lo lắng cho việc học hành của bọn trẻ mà bởi chúng ta muốn có ai đó lo giùm việc giáo dục chúng để họ có thể chuyên tâm làm việc của mình. Trường học rút ngắn kỳ nghỉ hè của bọn trẻ bởi không muốn phải hoàn lại tiền cho phụ huynh. Đó là những điều tệ hại thực sự mà tôi cảm nhận được tới lúc này.

Bọn trẻ ở đâu trong những sự toan tính của người lớn. Có ai bàn về việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần và thể chất của bọn trẻ trong giai đoạn giãn cách, có ai bàn về việc chúng sẽ ra sao nếu tiếp tục phải đi học mà không có kỳ nghỉ hè, có ai bàn nếu sang năm dịch bệnh tiếp tục quay trở lại thì các nhà giáo dục sẽ cần làm gì, có ai bàn về chuyện chúng ta nên kể câu chuyện đại dịch và thế giới mà chúng đang và sẽ sống sẽ đổi thay như thế nào kể từ ngày hôm nay? Không ai cả. Khi bọn trẻ bị bỏ lại phía sau trong câu chuyện này, tất cả chúng ta đều sai. Cả phụ huynh và các nhà trường đều chìm đắm trong câu chuyện đáp ứng nhu cầu của nhau mà thôi (chứ không thực sự quan tâm tới nhu cầu của bọn trẻ). Bọn trẻ sẽ tiếp tục phải trả những cái giá lớn hơn nếu người lớn tiếp tục duy trì quán tính này, cái quán tính khiến cho phụ huynh nghĩ rằng giáo dục là nhiệm vụ của trường học và cha mẹ chỉ là những khách hàng trả tiền. Harari cho rằng, cuộc khủng hoảng này cho thấy, trong lĩnh vực y tế, loài người không thể đặt niềm tin vào thị trường tự do hay chủ nghĩa tư bản nữa. Tôi cũng có cảm nhận tương tự đối với lĩnh vực giáo dục. Rất có thể khi các nhà trường và phụ huynh cùng “thắng” (win-win) thì con trẻ sẽ “thua”.

Những động thái mang tính “responsive” mà tất cả người lớn chúng ta đang chạy theo ngày hôm nay rõ ràng không phải là giải pháp cần thiết cho tương lai của bọn trẻ.Vậy tương lai giáo dục sẽ là gì?

1. Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là Resilience (Bền bỉ)

Những chuyển đổi mà giáo dục cần hướng tới cũng không xa rời những chuyển đổi cuộc sống tương lai của con người. Thay vì ước ao mọi thứ sẽ trở về bình thường như cũ, chúng ta hãy nghĩ làm cách nào để mình bền bỉ hơn trước những biến cố mới. Bền bỉ hơn cũng là xu hướng giáo dục cần hướng tới của nhà trường, thầy cô, cha mẹ và cả con trẻ.

Đã đến lúc các nhà trường thôi coi học sinh là nguồn sống của mình mà tập trung vào ý nghĩa thực sự của giáo dục, tức giúp cho mỗi cá nhân có thể hướng tới sự tự do, có khả năng tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời, tiến tới có năng lực tự giáo dục. Để học sinh có thể “lớn”, nhà trường phải “nhỏ” đí. Chúng ta không nên tự hào vì trường của mình có mấy ngàn học sinh theo học nữa, có bao nhiêu người tốt nghiệp giỏi nữa. Thước đo sự thành công của một nguồi trường không phải là giúp cho bao nhiêu đứa trẻ thành tài mà là làm sao để không bỏ lại một đứa trẻ nào phía sau. Khi không còn coi phụ huynh là khách hàng, nhà trường sẽ ứng xử theo đúng lương tâm của một người làm giáo dục, đặt lợi ích của con trẻ lên trên cùng, chứ không phải chạy theo những mong muốn của khách hàng nữa.

Chuyển dịch sang hướng bền bỉ hơn, tức là các nhà trường cần thu hẹp lại vai trò của mình, hay nói đúng hơn là trở nên phi tập trung hóa, trả bớt lại vai trò giáo dục cho cha mẹ, cho thế giới tự nhiên, và cho chính bản thân đứa trẻ. Trẻ cần “không gian” để tự giáo dục, thầy cô và cha mẹ thì cần được trao quyền để tham gia vào giáo dục. Giáo dục cần được trả lại đúng ý nghĩa của nó là sự tương tác giữa người với người, sự học của mỗi cá nhân thay vì sự dạy (của ai đó dành cho ai đó).Đối với các thầy cô giáo, bền bỉ hơn có nghĩa là làm sao để những gì chúng ta dạy cho bọn trẻ cũng chính là những gì chúng ta thực hành, hay rộng hơn là sống. Thay vì đóng vai người dạy, hãy đóng vai là người giúp đỡ, người bạn đồng hành trong quá trình tự học của trẻ, để học sinh không trở thành bất cứ thứ gì mà thầy cô của chúng mong muốn. Để có thể bền bỉ hơn với những cú sốc cho tương lai, thầy cô hãy chọn cho mình một hướng đi độc lập và bớt phụ thuộc nhất vào hệ thống trường học. Dạy học online cũng chỉ đơn thuần là một lựa chọn, không phải một xu hướng bắt buộc. Thay vì dần thân mình vào một hệ thống khuôn mẫu với các tiết học, bài giảng được lập trình sẵn, thứ mà biết chắc không thể giỏi hơn AI trong một tương lai không xa, hãy chọn cách khám phá những gì “người” nhất trong bản thân mình và theo đuổi nó. Khi ấy, ngay cả việc “mất dạy” cũng không còn đáng sợ nữa, bởi khi ta “mất dạy” cũng đồng nghĩa với việc học sinh của chúng ta đang có một nhu cầu khác cần đến những năng lực khác của thầy cô chúng, khi những bài giảng trên bục bỗng dưng biến mất.

2. Điều thứ hai tôi nghĩ tới là Regenerative culture (Văn hóa tái tạo)

Nó giống như chúng ta không thể mãi mãi quyên góp rồi phát mỳ tôm cho đồng bào vùng lũ được. Ai đó phải đứng lên đi trồng rừng, mặc dù có thể 20 năm nữa chúng ta mới có một khu rừng nhỏ.Chúng ta không biết nhiều lắm về nguồn gốc lịch sử loài người mà chỉ biết về phần ngọn của nó, tức vài trăm (hoặc kể cả vài ngàn) năm trở lại đây và nghĩ rằng lịch sử sẽ được viết tiếp theo xu hướng được gọi là “phát triển” của các cuộc cách mạng công nghiệp. Chúng ta tuy không phải là triết gia hay sử gia như Harari, nhưng việc nhìn lại cả một chặng đường dài quá khứ đã qua (dài hơn nhiều lần cuộc đời mình) là cần thiết. Câu hỏi đặt ra là liệu tiến trình phát triển của loài người (homosapiens) từ thủa bình minh tới nay có đang ngược chiều với những gì đã diễn ra trong lịch sử hàng tỉ năm của trái đất? Rất có thể.Tạm không nhắc tới những con số báo động về môi trường hay BĐKH vì có thể ai đó sẽ cho rằng đó là những câu chuyện riêng của các nhà hoạt động. Hãy ghé qua biểu đồ dân số thế giới để thấy chúng ta đã “sinh sôi nảy nở như thế nào” trong 300 năm trở lại đây, từ thủa bắt đầu cách mạng công nghiệp. Trong khoảng 1700 năm sau công nguyên, dân số loài người chỉ giao động dưới mức nửa tỷ người. Nếu duy trì tốc độ tăng đều đặn như trước đó, thế giới bây giờ cũng chưa vượt được mốc 1 tỷ. Nhưng chỉ trong vòng 300 năm trở lại đây, dân số thế giới đã tăng lên mức gần 8 tỷ, gấp khoảng 15 lần so với mốc năm 1700. Và cũng là con số lớn nhất trong lịch sử loài người. Nếu chỉ nhìn lịch sử loài người vẻn vẹn trong 3 thế kỷ gần đây, chúng ta có thể thấy tiến trình này rất bình thường. Nhưng nếu so sánh quãng thời gian đó với 200 ngàn năm của loài homo sapiens hay 2 triệu năm lịch sử của loài homo erectus thì đó là cả một điều bất thường khổng lồ.Vậy thì giáo dục có liên quan gì đến câu chuyện ở trên không? Tôi nghĩ là có. Trước khi chúng ta dạy con trẻ dùng bàn phím, những câu lệnh lập trình, hay những thứ thuộc về thế giới văn mình mà chúng ta mới biết đến vài chục năm nay (hay thành tựu cách mạng công nghiệp lần 4), hãy dạy chúng về lịch sử nhân loại, hãy cùng chúng trả lời câu hỏi điều gì thực sự đã xảy ra trong 300 năm qua và vì sao. Hãy đặt cả cho chúng ta những câu hỏi vì sao thật nhiều và tự trả lời. Vì sao một em bé sinh ra trong thế kỷ 21 phải uống sữa công thức mới đủ chất, vì sao một em bé 3 tuổi chưa sõi tiếng mẹ đẻ phải học tiếng Anh, vì sao không ai dạy bọn trẻ về nguồn gốc của hạt gạo, vì sao lớp học phải ở trong 4 bức tường. Chúng ta không thể giúp bọn trẻ trả lời những câu hỏi vì sao đó bởi bản thân chúng ta cũng coi sự hiện diện của những nhu cầu vật chất, những sự đáp ứng trong thế giới hiện tại là nghiễm nhiên từ khi chúng ta được sỉnh ra. Sự nghiễm nhiên đó hình thành những thế giới quan “ăn mòn” (degenerative). Với thế giới quan đó, những đứa trẻ khi lớn lên sẽ miệt mài theo đuổi chủ nghĩa tiêu dùng, sở hữu và không ngừng thỏa mãn ngũ uẩn của mình. Việc theo đuổi một thế giới quan như vậy thực tình không khác nào sự tận diệt, có khác chỉ là nó diễn ra từ từ hơn thôi. Chỉ khi nào đứa trẻ biết nâng niu và thương xót một cây con mới trồng, chúng mới hiểu được không hay ho gì việc mua một ly trà sữa hộp nhựa hay đi nghỉ dưỡng ở một resort mà phía dưới những công trình bê tông tráng lệ là cả cánh rừng già hàng trăm tuổi đã bị đốn hạ.Văn hóa tái tạo cần bắt đầu từ việc chúng ta dạy trẻ về giá trị tôn trọng, giống như việc dạy chúng “không để lại gì ngoài những dấu chân” khi đến thăm các khu bảo tồn vậy. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc không làm hại thiên nhiên, chúng ta còn cần học cách trả lại những gì đã lấy từ thiên nhiên. Một cây gỗ mà chúng ta dùng để dựng nhà có thể tốn hàng chục năm để trưởng thành, hãy nghĩ xem chúng ta có thể trả lại bằng cách nào.

3. Điều thứ ba: vai trò mới cho giáo dục, giáo dục vì sự phát triển bền vững (Education for Sustainability – EfS)

Những người làm giáo dục cần chuẩn bị cho một thế giới quan mới. Nếu như trước đây, giáo dục để cho con người có thể kiếm tìm một công việc tốt, thì giờ đây việc trở thành một người tài giỏi (theo nghĩa ấy) không còn nhiều ý nghĩa nữa khi con người đối mặt với thảm họa sinh thái hay cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 mà nhiều người cảnh báo. Lúc ấy, tiền có thể vẫn còn cứu được bạn trong chốc lát, nhưng không thể cứu được tương lai của bạn, của con cháu bạn.Tất cả hệ thống giáo dục trên thế giới cần được tái cấu trúc theo hướng dời con người ra khỏi trọng tâm của vũ trụ, giúp con người hiểu được rằng, toàn bộ nền văn minh của mình cũng có thể không hơn một tổ mối dưới “con mắt” của hệ sinh thái. Khi đặt ego của mình xuống, ta sẽ thấy mình trở nên hòa hợp hơn giống như một phần không tách rời của thế giới tự nhiên, khác với góc nhìn làm chủ thiên nhiên mà ta từng được dạy.Theo nghĩa này, các nhà trường triển khai các chương trình giáo dục môi trường thôi là chưa đủ, thậm chí vẫn chưa thực sự đúng đắn khi xét con người trong một mối quan hệ tách rời với thiên nhiên như vậy. Giáo dục môi trường đơn thuần giúp con người hiểu hơn về thế giới tự nhiên còn giáo dục vì sự bền vững hướng con người tới thức tỉnh, hành động, thay đổi lối sống của mình. Những đứa trẻ cần bài học đó như một bài học đầu đời trước khi nghĩ tới việc theo đuổi một công việc, nghề nghiệp ước mơ nào đó sau này.Viết ra thì dễ, nhưng quả thực, chỉ theo đuổi 1 trong 3 thứ trên thôi chắc cũng hết một đời người. Suy cho cùng, thứ mà mỗi cá nhân có thể thay đổi không phải quá khứ, càng không phải tương lai mà là hiện tại. Những gì chúng ta cố gắng thay đổi hôm nay có thể cũng không cứu vãn được tương lai của nhân loại, nhưng ít nhất ta có thể cứu vãn cuộc đời mình bằng cách làm cho nó trở nên có ý nghĩa.

Viết đến đây bỗng nhớ tới mấy câu thơ của Nguyễn Huy Thiệp trong “Tuổi hai mươi yêu dấu”.”…
Phía trước là chân lý
Rất có thể có nạn hồng thủy
Mà ngoài trái đất là thiên hà
Chữ đầu tiên là chữ a…”