Thư gửi phụ huynh Dream&Do: Giáo dục trong thời đại “bình thường mới”

Quý phụ huynh thân mến.

Chúng ta đang sống trong những tháng ngày mà có lẽ chưa ai từng trải qua trong cuộc đời mình. Những đứa trẻ của chúng ta cũng không phải ngoại lệ. Trong bối cảnh này, chắc hẳn chúng ta đều có lúc cảm thấy hoang mang về tương lai, của bản thân và cả lũ trẻ. Cuộc sống của chúng trong 10, 20 năm nữa sẽ ra sao? Liệu có còn những cơn đại dịch nào ập tới, hay những biến cố nào khác dữ dội hơn mà loài người phải gánh chịu?

Chẳng ai biết trước được điều gì cả. Nhưng có một điều mà chúng ta có thể sẽ dễ dàng đồng ý với nhau lúc này đó là thế giới mà chúng ta đang sống ngày càng ẩn chứa nhiều hơn những rủi ro, cuộc sống mà chúng ta đang sống ngày một nhiều bất an. Chúng ta chưa biết chắc được về tương lai, nhưng chúng ta biết chắc rằng có những điều đã từng đúng trong quá khứ đã không còn đúng nữa.

Trong những lúc như thế này, khi thời thế có nhiều đổi thay, với tư cách là những nhà giáo dục, chúng tôi lại đặt lại chính bản thân mình những câu hỏi mang tính gốc rễ. Ví dụ như “Mục tiêu của giáo dục là gì?", “Làm thế nào để giúp những đứa trẻ thích nghi với tương lai đổi thay?", “Nhận thức mới về thế giới trong thế kỷ 21 là gì?".

Đối với tập thể Dream&Do chúng tôi, đại dịch lần này như là một cú hích để toàn bộ chúng tôi chuyển đổi toàn bộ mô hình tổ chức của mình, từ một mô hình cứng nhắc như một cỗ máy sang một mô hình linh hoạt hơn, dễ dàng thích nghi hơn với nghịch cảnh, bển bỉ hơn những cú sốc trong tương lai, mô hình mới mà chúng tôi gọi là một “hệ sinh thái". Tư duy vận hành tổ chức mới đồng thời cũng là tư duy giáo dục mà chúng tôi đã và đang và sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều năm qua.

Giờ đây, cơn dịch ở Việt Nam đã tạm lắng xuống và chúng ta đang cố gắng quay trở về những guồng quay cũ. Đó là một điều thực sự may mắn khi chứng kiến những gì đang diễn ra ở Châu Âu, Châu Mỹ. Nhưng, trong cái may mắn đó, tôi nhận ra có một điều “không may" đó là có những thói quen cũ, tư duy cũ của chúng ta chưa thực sự được gỡ bỏ. Điều này sẽ trở thành vấn đề khi đại dịch kết thúc, thế giới sẽ vận hành theo một phương thức mới mà chúng ta không biết. Có lẽ, đã đến lúc mỗi phụ huynh, mỗi nhà giáo dục cần có một tầm nhìn xa hơn về tình trạng “bình thường mới" này, xa hơn những cuộc tranh cãi về việc khi nào thì kết thúc năm học, làm sao để học hết chương trình, chọn bộ sách giáo khoa mới nào. Câu chuyện cần bàn bạc nhiều nhất lúc này đó là chúng ta có thể làm gì hôm nay để bọn trẻ có khả năng thích nghi với một tương lai đầy rủi ro và bất trắc, không chỉ ở khía cạnh nghề nghiệp mà còn là vấn đề mạng sống.

Resilience – Sự bền bỉ có lẽ sẽ là từ khóa cho mục tiêu giáo dục của thế kỷ 21. Harari đã đặt tên cho phần cuối cùng của cuốn sách “21 bài học cho thế kỷ 21" với từ khóa này kèm theo chú thích “Ta sống ra sao trong thời đại của sự hoang mang, khi các câu chuyện cũ đã sụp đổ và chưa có câu chuyện mới nào xuất hiện để thay thế?. Đối với con trẻ ngày hôm nay, có lẽ không sự chuẩn bị nào tốt bằng sự chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho những thay đổi, không kiến thức hay kỹ năng nào tốt bằng khả năng thích nghi, sự bền bỉ, đức tính kiên trì, không người thầy nào tốt bằng thế giới tự nhiên. Đối với chúng tôi, “bình thường mới" đơn giản là quay trở lại với những giá trị cơ bản trong hành trình sống, hành trình tự nhận thức, hành trình theo đuổi mục tiêu giáo dục và phát triển con người của mình.

Còn nhiều điều chúng tôi muốn chia sẻ với quý phụ huynh nằm ngoài giới hạn một bức thư. Hơn lúc nào hết, chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sự tin tưởng mà quý phụ huynh đã dành cho Dream&Do trong hơn 4 năm vừa qua và đặc biệt là trong giai đoạn đầy khó khăn này đối với tất cả chúng ta. Trong bối cảnh “bình thường mới" này, chúng tôi mong có thể tiếp tục đồng hành cùng phụ huynh để có thể đối thoại, đồng cảm và chia sẻ những khó khăn, trăn trở hay tìm ra những giải pháp giáo dục mới phù hợp với từng con trẻ.

Nguyễn Hoàng Việt
Sáng lập viên – Giám đốc điều hành.