Cha mẹ và thầy cô cần quan tâm điều gì khi học sinh sắp “đi học” trở lại?

Đại dịch đã khiến hàng trăm triệu trẻ em không thể đến trường trên khắp thế giới. Nhưng ở Mỹ, lần đầu tiên sau 18 tháng đại dịch, học sinh ở nhiều nơi được cho là sẽ chuẩn bị quay trở lại trường học vào tháng 9 này. Trong bối cảnh đó, rất nhiều câu hỏi được đặt ra với những người làm giáo dục ở Mỹ. Và tôi cũng tự đặt câu hỏi này với những thầy cô và cha mẹ, những ai quan tâm tới giáo dục trẻ em ở Việt Nam.

Trước tình hình dịch bệnh, khác với cách ứng xử đóng băng mọi thứ như ở Việt Nam, nhiều quốc gia như Mỹ hay nhiều nước ở Châu Âu chọn cách sống chung với dịch bệnh từ rất sớm. Ở các nước này, có nhiều quy định mới được đưa ra với mục tiêu giúp cho các hoạt động của con người có thể thích nghi dần với sự hiện diện lâu dài của dịch bệnh. Mùa hè vừa rồi, trong khi các hoạt động ngoại khóa cho trẻ em ở Việt Nam hầu như phải hủy bỏ hoặc chỉ có thể tổ chức theo hình thức trực tuyến thì học sinh ở Mỹ đã được tham gia các trại hè. Lướt qua một vài trại hè trong hàng ngàn đơn vị tổ chức trại hè ở Mỹ được cho phép tổ chức trong mùa hè này tôi nhận ra một chi tiết khá thú vị đó là tất cả đều đeo khẩu trang. Trong hầu hết các bức ảnh, ở bất cứ nơi đâu, trong hoạt động nào thì đều có sự hiện diện của chiếc khẩu trang trên gương mặt các bạn nhỏ và những người tổ chức. Có lẽ đây là một sự “bình thường mới" của học sinh hay của trẻ em nói chung trên toàn nước Mỹ. Khẩu trang có lẽ đã trở thành một đồ dùng bắt buộc trong checklist các đồ vật cần chuẩn bị trong cuốn sổ tay dành cho phụ huynh.

Việt Nam, đến một lúc nào đó cũng sẽ phải nghĩ đến những việc tương tự như thế này, mặc dù quãng đường từ nay tới đó, tới lúc đạt miễn dịch cộng đồng dù chỉ ở những thành phố lớn, vẫn còn rất xa. Nhưng đó không phải là điều mà tôi đang thực sự muốn bàn luận. Điều mà tôi quan tâm nhất là từ giờ đến viễn cảnh còn rất xa ấy và sau đó, có những việc người lớn cần làm ngay lúc này, cho bọn trẻ.

NHỮNG ĐỨA TRẺ CÓ THỂ ĐANG PHẢI HỨNG CHỊU TỔN THƯƠNG KÉP.

Đầu tiên, có một điều cần phải thừa nhận rằng, tất cả chúng ta đang trải qua một cơn sang chấn kéo dài mang tính lịch sử, dù mỗi người có nhận ra hay không hay chấp nhận nó hay không. Hàng ngày, dù vẫn nhắc nhau cố gắng trở nên tích cực theo cách này hay cách kia, cơ chế sinh học khiến chúng ta vẫn không thể nào thôi tiếp nhận những thông tin tiêu cực về dịch bệnh. Trong bối cảnh này, nếu chúng ta không có khả năng hóa giải những sang chấn tinh thần của mình, theo cơ chế lan truyền, nơi hấp thụ những cơn sang chấn của chúng ta rất có thể là căn phòng của lũ trẻ. Việc giữ bọn trẻ ở trong nhà hàng tháng trời có thể giữ bọn trẻ an toàn về mặt thể lý với dịch bệnh, nhưng rất có thể đang khiến chúng “phơi nhiễm" những rủi ro đối với vấn đề sức khỏe tâm thần.

Tháng 9 đang đến gần và học sinh Việt Nam cũng chuẩn bị quay trở lại với “trường học’ trực tuyến. Những ngày này, chúng ta có thể bắt gặp trên mạng xã hội hay báo đài những diễn ngôn kiểu như “dù thế nào thì việc học vẫn phải tiếp tục", kèm theo đó là những hình ảnh thầy cô đang soạn giáo án để dạy online đầy khí thế. Đây là thông điệp khiến tôi trăn trở nhất trong những ngày này. Thoạt nghe thì rất hợp lý nhưng nếu nghĩ thấu đáo thì đây thực sự là một thông điệp mang tính chủ quan, áp đặt và rất thiếu nhân văn. Tôi không đồng ý với diễn ngôn này, không thể tiếp tục việc học theo kiểu bằng mọi giá, theo kiểu bắt các em bé chưa thuộc mặt chữ ngồi trước màn hình máy tính hay điện thoại để học qua zoom 2 buổi một ngày. Có ai hỏi bọn trẻ trước khi phát biểu những điều này chưa? Hay điều duy nhất chúng ta quan tâm lúc này vẫn chỉ là tổ chức những kỳ thi online như thế nào, làm thế nào để vẫn dạy đủ chương trình, học sinh vẫn được lên lớp…Trước khi bắt đầu năm học “online", các nhà trường, các thầy cô, hay các nhà quản lý giáo dục, đã ai thực sự tính đến hệ lụy của nửa năm qua phải ở nhà của bọn trẻ và rất có thể của một năm nữa (hoặc hơn) tương tự như vậy. Nếu có mong mọi người sẽ lên tiếng. Bởi ngoài câu chuyện học phí online đang ồn ào, nhiều câu chuyện khác cũng cần được người chúng ta suy nghĩ và bàn luận thấu đáo trước khi bước vào năm học mới. Nhất là đối với học sinh ở TP HCM, Bình Dương hay các tỉnh phía Nam, nơi dịch bệnh đang hoành hành khủng khiếp và kéo dài. Trước khi làm gì để thay đổi, hãy học cách công nhận đã, tất cả chúng ta (và tất nhiên cả bọn trẻ nữa) đang trải qua một cơn sang chấn dai dẳng và chưa có hồi kết.

NGÀNH GIÁO DỤC CẦN CÓ MỘT THÔNG ĐIỆP KHÁC

Tháng 9 đang đến gần và học sinh Việt Nam cũng chuẩn bị quay trở lại với “trường học’ trực tuyến. Những ngày này, chúng ta có thể bắt gặp trên mạng xã hội hay các kênh truyền thông chính thống những diễn ngôn kiểu như “dù thế nào thì việc học vẫn phải tiếp tục", kèm theo đó là những hình ảnh thầy cô đang soạn giáo án để dạy online đầy khí thế. Đây là thông điệp khiến tôi trăn trở nhất trong những ngày này. Thoạt nghe thì rất hợp lý nhưng nếu nghĩ thấu đáo thì đây thực sự là một thông điệp mang tính chủ quan, áp đặt và rất thiếu nhân văn. Trong những phát biểu đó không hề có gương mặt của những đứa trẻ. Tôi không đồng ý với diễn ngôn này, không thể tiếp tục việc học theo kiểu bằng mọi giá, theo kiểu bắt các em bé chưa thuộc mặt chữ ngồi trước màn hình máy tính hay điện thoại để học qua zoom 2 buổi một ngày. Có ai hỏi bọn trẻ trước khi phát biểu những điều này chưa? Hay điều duy nhất chúng ta quan tâm lúc này vẫn chỉ là tổ chức những kỳ thi online như thế nào, làm thế nào để vẫn dạy đủ chương trình, học sinh vẫn được lên lớp…Trước khi bắt đầu năm học “online", các nhà trường, các thầy cô, hay các nhà quản lý giáo dục, đã ai thực sự tính đến hệ lụy của nửa năm qua phải ở nhà của bọn trẻ và rất có thể của một năm nữa (hoặc hơn) tương tự như vậy. Nếu có mong mọi người sẽ lên tiếng. Bởi ngoài câu chuyện học phí online đang ồn ào, nhiều câu chuyện khác cũng cần được người chúng ta suy nghĩ và bàn luận thấu đáo trước khi bước vào năm học mới. Nhất là đối với học sinh ở TP HCM, Bình Dương hay các tỉnh phía Nam, nơi dịch bệnh đang hoành hành khủng khiếp và kéo dài. Trước khi làm gì để thay đổi, hãy học cách công nhận đã, tất cả chúng ta (và tất nhiên cả bọn trẻ nữa) đang trải qua một cơn sang chấn dai dẳng và chưa có hồi kết.

ƯU TIÊN LÚC NÀY LÀ PHỤC HỒI & XÂY DỰNG TÍNH BỀN BỈ

Đã đến lúc cần từ bỏ tư duy giáo dục truyền thống vốn lấy chương trình, giáo án làm trung tâm. Để thực sự lấy học sinh làm trung tâm như những tuyên bố của ngành giáo dục, trong bối cảnh hiện tại, người lớn chúng ta cần ưu tiên tới sự ổn định (well-being) của học sinh trước khi quyết định sẽ dạy chúng điều gì, hay dạy như thế nào. Ưu tiên lúc này là phục hồi từ những tổn thương (trauma) và giúp nhau trở nên bền bỉ (resilience) trước diễn biến dai dẳng của những biến cố từ Covid 19. Cần lắm một góc nhìn mới, một tư duy mới, một sự thay đổi lúc này của ngành giáo dục. Khi ngành chưa kịp thay đổi, các thầy cô vẫn có thể làm điều gì đó. Thay vì bắt đầu bài giảng như thường lệ, hãy dành thời gian mỗi ngày để giúp học sinh “check-in” cảm xúc, tạo những không gian để có thể lắng nghe nhiều hơn với học sinh của mình, tập trung vào xây dựng mối quan hệ với học sinh để tạo sự tin tưởng khi mà chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một phần của nhau qua màn hình, trở thành người giúp đỡ trước khi làm người thầy, cùng nhau thực hành chánh niệm và nhiều các thực hành khác nữa mà các thầy có có thể tìm hiểu thêm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tìm cách để tự giúp mình, học cách lắng nghe bản thân, chuyển hóa những sự căng thẳng, lo âu, những nỗi đau vốn âm ỉ bấy lâu nay bị khuếch đại bởi dịch bệnh. Để có thể giúp được bọn trẻ, chúng ta phải giúp được bản thân mình trước tiên.

ỨNG PHÓ CHỨ KHÔNG ỨNG BIẾN

Với những người làm cha mẹ cũng vậy, chúng ta thờ ơ với những vấn đề tinh thần của bọn trẻ bởi chính chúng ta cũng đang thờ ơ với những tổn thương của bản thân mình. Chúng ta không cần và không nên đợi ngành giáo dục phải thay đổi mà có thể tự tạo sự thay đổi ở ngay chính gia đình của mình, “trường học” thực tế nhất, sống động nhất, quan trọng nhất đối với mọi đứa trẻ. Để những biến cố covid không làm tổn thương tới sức khỏe tâm thần của bọn trẻ, cha mẹ cần học cách quan tâm tới sức khỏe tâm thần của mình trước tiên, bởi đó là tấm khiên miễn dịch đầu tiên của bọn trẻ. Chúng ta có lợi thế hơn rất nhiều so với thầy cô trong việc giúp trẻ xây dựng tính bền bỉ (resilience) của mình trong bối cảnh đại dịch. Thay vì bị cuốn theo bởi những diễn ngôn kia hay phản ứng mang tính tức thời của hệ thống, hãy cho chúng ta và cả bọn trẻ được phép chậm lại, được nghỉ ngơi để chữa lành những tổn thương dai dẳng kia và tái định hình cho con, cho mình một con đường học tập, phát triển mới, một lối sống mới. Nên nhớ, dịch bệnh còn kéo dài và tương lai của loài người trong thế kỷ 21 sẽ còn rất nhiều bất trắc, chúng ta cần xây dựng một chiến lược để ứng phó trong dài hạn chứ không phải là những ứng biến mang tính tức thời.

—–
Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Việt
16/8/2021